Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Cơn sốt đất tái diễn do "cò" thổi giá, "bám đuôi" dự án sân bay

Tại Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai), tình trạng sốt đất đang tái diễn sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư Dự án sân bay Long Thành và đồng ý bổ sung cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ vào quy hoạch phát triển khu vực đến năm 2020. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến đất đai tại đây "nóng" lên là do "cò" thổi giá, đầu cơ…
Trong những năm qua, việc hạ tầng phát triển như vũ bão đã giúp Đồng Nai và Tp.HCM như xích lại gần nhau hơn, thị trường bất động sản (BĐS) tại khu đông Tp.HCM và các huyện của Đồng Nai nằm giáp Tp.HCM cũng sốt hơn bao giờ hết. Nhiều chủ dự án căn hộ, đất nền hay khu đô thị lớn đua nhau chào đón khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng có nguy cơ mắc bẫy, tiền mất tật mang bởi việc giao dịch ở huyện Nhơn Trạch và Long Thành thời gian qua gần như bị "cò" thao túng, buôn bán theo kiểu "chợ trời".    
Hiện tại, phần lớn các dự án, khu đô thị trên là bãi đất trống, một số khu đô thị dù đã hình thành nhưng lại ở trong tình trạng "vườn không nhà trống".
"Cò" đất đang giới thiệu dự án ăn theo sân bay Long Thành
Theo như thông tin giới thiệu, dự án đất nền Airlink Town là dự án trọng điểm nằm trên tuyến đường huyết mạch DT 769, là trục chính vào sân bay Long Thành và kết nối Tp.HCM về thị trấn Long Thành. Nhận là nhân viên bán hàng dự án trên, khi gặp chúng tôi, Ngọ chỉ vào tấm bản đồ quy hoạch sử dụng đất của huyện Long Thành và giới thiệu, sắp tới, mặt tiền đường DT 769 sẽ được mở rộng lên 60m kết nối với hạ tầng của khu vực sân bay. Ngọ nói: "Mấy chục lô mặt tiền (lô A) đã bán hết và chủ yếu dành cho cán bộ. Nếu anh mua thì chỉ còn lô D giai đoạn 2 của dự án hoặc những vị trí bên trong. 33 lô nền còn lại có giá từ trên 700 triệu đến trên 1 tỷ đồng/nền với diện tích từ 100m2-120m2".
Khi thấy chúng tôi lắc đầu, Ngọ tiếp tục: "Chỉ còn ít nền là đã hết rồi. Anh mua để đầu tư hay để ở? Nếu ở thì sau này hạ tầng xây xong cứ theo sơ đồ mà nhận đất. Còn nếu mua đầu tư thì giao cho em bán lại chắc chắn sẽ sinh lời nhanh". Theo ghi nhận, sau cái tên mỹ miều như một đô thị hiện đại thì dự án này nằm heo hút bên đất rẫy, những cánh rừng cao su của người dân.
Tương tự, tại xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai, dự án Khu đô thị Thung Lũng X. ven Quốc lộ 51 có quy mô 45 ha từng gây sốt trên thị trường với hàng ngàn sản phẩm đất nền được chào bán trong thời gian ngắn. Dù đã được đầu tư hạ tầng, cây xanh, nhưng dự án vẫn không có bóng dáng một ngôi nhà nào.
Cũng có hoàn cảnh tương tự là Khu đô thị Tam A với quy mô hơn 37 ha nằm gần đó. Có quy mô 237 ha với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, dự án Khu đô thị Long Thọ - Phước An dù có hạ tầng kết nối khá hoàn chỉnh nhưng dân cư rất thưa thớt. Cách đó không xa, ở xã Phú Thạnh và Long Tân thuộc huyện Nhơn Trạch, dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn có mức đầu tư lên đến 6 tỷ USD tham vọng sẽ biến vùng đất 942 ha thành khu đô thị với dân số lên đến 150.000 người, nhưng hiện tại, siêu đô thị này vẫn chỉ là vùng đất bạt ngàn.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, sau khi có thông tin triển khai dự án sân bay Long Thành, cơn sốt đất ăn theo dự án bắt đầu bùng phát. Tại đây, việc tách thửa phân lô, bán nền diễn ra ồ ạt đến mức UBND tỉnh Đồng Nai phải yêu cầu không được tách thửa. TS Nhân lý giải: "Việc các đơn vị phân lô bán nền trái phép sẽ dẫn đến việc xây dựng của người mua sau này cũng trái phép. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn như: các tuyến đường trong khu dân cư không có vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật không được kết nối đồng bộ, hệ thống thoát nước hay hệ thống điện, cáp viễn thông không đảm bảo gây gánh nặng cho nhà nước khi phải tốn kém đầu tư lại, đồng thời phá nát quy hoạch sau này".
Để giúp thị trường BĐS trên địa bàn thoát khỏi vòng xoáy ảo và tránh để "cò" đất làm xấu thị trường, ngày 20/4/2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định tạm ngưng giải quyết tách thửa đất trên địa bàn, chờ ban hành quy định mới. Trước đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã ra quyết định quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa trên địa bàn.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, ông Đặng Minh Đức cho biết, trên địa bàn thời gian qua, tình trạng tách thửa, phân lô bán nền diễn ra khá phổ biến, từ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp chuyển thành đất ở. Người dân có quyền làm điều này khi nhà nước chưa có kế hoạch sử dụng đất khu vực đó. Các địa phương sẽ căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm, những khu vực đã phê duyệt khu dân cư tự cải tạo thì xem xét theo hạn mức cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Ông Đức cũng cho biết, những khu vực khác không nằm trong kế hoạch sử dụng đất, để đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch vùng, địa phương có quyền từ chối việc chuyển mục đích.
(Theo Tiền phong Online) 

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Cò đất, đầu nậu náo loạn thị trường đất nền TPHCM

Hoạt động của giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến "sốt giá ảo" đất nền ở các quận ven TPHCM hiện nay và cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Thị trường TPHCM có hiện tượng "sốt giá ảo" trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện.
Đánh giá tình hình cơn sốt giá đất nền tại các quận ven và huyện ngoại thành TPHCM, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) mới đây đã nhận định, thị trường có hiện tượng "sốt giá ảo" trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện như: Quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ.

Đối tượng "sốt giá ảo" bao gồm cả đất nền do hoạt động tách thửa, phân lô theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014; hoặc đất thổ vườn trong các khu dân cư nông thôn ở các quận ven và các huyện ngoại thành; thậm chí có cả trường hợp một số khu đất nông nghiệp cũng bị phân lô bán giấy tay trái pháp luật.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, trong vòng một năm qua, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%.

Ví dụ như, đất nền tại một số khu vực phân lô ở quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2; giá đất nền tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có vị trí đã lên đến 10-12 triệu đồng/m2; giá đất nông nghiệp một số khu vực tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi đã tăng đến trên dưới 50% trong 04 tháng đầu năm 2017, trong đó đất nền mặt tiền quốc lộ 22 cũng đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2;

Theo HOREA, giới đầu nậu và cò đất là bên thủ lợi trong cơn "sốt giá ảo" đất nền hiện nay. Cơn "sốt giá ảo" đất nền này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, cần phải có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra vỡ "bong bóng" gây thiệt hại dây chuyền trên thị trường bất động sản, và để bảo vệ người tiêu dùng.

HOREA cho rằng, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến cơn sốt giá đất nền ở các quận ven và huyện ngoại thành.

Thứ nhất, là do sự phát triển rất mạnh hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố (các tuyến metro, các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường vành đai, các tuyến đường kết nối, thông tin về các dự án cầu Cát Lái, cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh...) đã có tác động kích thích làm tăng mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt là ở khu Đông, khu Nam, khu Tây của thành phố, đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.

Thứ hai, là do cò đất thổi giá. Do chưa có định hướng dư luận kịp thời để xử lý hiệu quả những tin đồn không chính thống, truyền miệng như tin đồn về khả năng chuyển huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận; hoặc hình thành mô hình thành phố trong thành phố ở phía Đông, phía Tây, phía Nam thành phố Hồ Chí Minh, đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.

Nguyên nhân thứ ba nằm ở việc 1 số một số tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn mà nếu được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố Hồ Chí Minh, nhất là khu vực các huyện ngoại thành, ví dụ: Tập đoàn Vingroup đã được giao đầu tư dự án Công viên động vật bán hoang dã Safari quy mô 400 ha tại Củ Chi, dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ quy mô mở rộng đến 2.000 ha.

Đặc biệt, Tập đoàn Tuần Châu đã đề xuất đầu tư dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn dài khoảng 60 km với quy mô 4-6 làn xe nối Bến Súc huyện Củ Chi qua huyện Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh về quận 1. Và một loạt các dự án lớn khác như Dự án thành phố mới tại huyện Củ Chi với quy mô trên 15.000 ha, dự án thành phố ven biển (Marina City) quy mô khoảng 1.000 ha tại huyện Cần Giờ... đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này;

Nguyên nhân thứ tư là do quá trình thực hiện Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở tại nông thôn và đô thị trên địa bàn thành phố, nhưng đã bị giới đầu nậu, cò đất lợi dụng để thực hiện tách thửa, phân lô đất nền tràn lan tại một số quận ven và huyện ngoại thành và thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.

Cuối cùng giới đầu nậu và cò đất làm giá, thổi giá đất nền tại các quận ven và huyện ngoại thành, với thủ đoạn tung hỏa mù, thực thực hư hư, lợi dụng các thành quả phát triển hạ tầng giao thông của thành phố, các thông tin chính thống, tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, đẩy giá, tạo sóng lướt sóng để thủ lợi tối đa trong phân khúc thị trường đất nền ở các quận ven và các huyện ngoại thành.Bên cạnh đó, tình trạng, nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lướt sóng "theo tâm lý đám đông" có thể bị sập bẫy, bị thiệt hại nặng khi thị trường hạ nhiệt.

"Hoạt động của giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến "sốt giá ảo" đất nền hiện nay cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời", báo cáo của HoREA nhấn mạnh.

Phương Dung (Dân Trí)

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Đồng Nai siết chặt hồ sơ tách thửa đất

Từ ngày 20-4-2017, UBND tỉnh có quyết định tạm ngưng giải quyết hồ sơ tách thửa đất trên địa bàn, chờ ban hành quy định mới nhằm hạn chế tách thửa đất, sang nhượng tràn lan khó quản lý trong xây dựng.

Một khu vực thuộc phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) được tách thửa, phân lô bán nền.

Trước đó, cuối tháng 4-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 25/2016/QĐ-UBND, quy định diện tích tối thiểu để tách thửa đất trên địa bàn Đồng Nai. Theo đó, tách dưới 9 thửa đất không phải làm dự án, còn trên 9 thửa buộc phải làm dự án (trước đó tách dưới 25 thửa không phải làm dự án). Dù đã siết lại nhưng những khu vực đông dân nhập cư vẫn xảy ra tình trạng tách thửa, phân lô bán nền ào ạt.

* Vẫn nhộn nhịp tách thửa đất nền

Quyết định 25 của tỉnh ban hành đã siết chặt thêm việc tách thửa đất và buộc khi tách thửa phải lên thổ cư với diện tích tối thiểu tùy theo từng khu vực, song nhiều cá nhân vẫn “lách” bằng cách xin tách thửa đất thành nhiều đợt.

Sau nhiều đợt tách thửa là phân lô bán nền ồ ạt, phía các địa phương quản lý không chặt dễ xảy ra xây dựng trái phép, hình thành các khu dân cư tự phát, phá vỡ quy hoạch.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết: “Thời gian qua, tình trạng tách thửa, phân lô bán nền tại huyện Long Thành xảy ra khá nhiều. Nhiều khu chỉ san ủi làm đường qua loa rồi sang nhượng, người dân mua đất làm nhà hình thành các khu dân cư, thiếu hạ tầng điện, nước lại yêu cầu huyện phải làm”.

Việc này gây khó khăn cho huyện và phá vỡ quy hoạch các khu dân cư nên huyện Long Thành đề nghị tỉnh sớm có biện pháp quản lý chặt hơn để tránh tiếp tục xảy ra tình trạng trên. Những người dân mua đất tách thửa, phân lô bán nền phần đông là công nhân, lao động có thu nhập thấp. Khu vực diễn ra tình trạng tách thửa nhiều là TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom...

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa, cho hay: “Tình trạng ào ạt tách thửa, phân lô bán nền chủ yếu xảy ra ở những khu vực đông dân nhập cư có nhu cầu về nhà ở nhiều. Luật Đất đai không cấm tách thửa nên muốn hạn chế chỉ cần các phường, xã quản lý chặt việc xây dựng nhà ở. Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện về hạ tầng, địa phương kiên quyết không cho xây dựng sẽ hạn chế được việc hình thành những khu dân cư tự phát”.

Thực tế, lâu nay ở nhiều phường, xã chính quyền còn “du di” trong quản lý xây dựng dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép xảy ra tràn lan. Thời điểm tỉnh chưa tạm ngưng giải quyết hồ sơ tách thửa, có những tháng văn phòng đăng ký đất đai các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa nhận đến cả chục ngàn hồ sơ xin tách thửa.

* Giảm khu dân cư tự phát

Hiện nay, Sở Tài nguyên - môi trường đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương để hoàn thành dự thảo về tách thửa đất và trình UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến đến cuối tháng 5-2017, quyết định mới về tách thửa đất của Đồng Nai sẽ ban hành. Tuy nhiên, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đang loay hoay với lượng hồ sơ xin tách thửa đã nhận trước đó sẽ giải quyết như thế nào?

Ông Hoàng Văn Dung, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai, cho biết: “Cả tỉnh có khoảng 5 ngàn hồ sơ xin tách thửa nhận trước ngày có quy định tạm ngưng giải quyết hồ sơ tách thửa. Với những hồ sơ này, văn phòng kiến nghị tỉnh tiếp tục giải quyết”.

Cũng theo ông Dung, dự thảo đang lấy ý kiến các sở, ngành rà lại những kẽ hở để siết chặt hơn. Tới đây, quyết định mới về tách thửa ban hành sẽ quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý.

Theo ý kiến của các huyện, thị, thành, văn phòng đăng ký đất đai các địa phương trực thuộc tỉnh nên quá trình tách thửa ít nắm được thông tin. Do đó, dù quyết định của tỉnh có hạn chế việc tách thửa cũng không giảm được việc tách thửa ào ạt rồi phân lô bán nền tràn lan gây khó khăn trong quản lý về xây dựng.

“Huyện đề xuất tỉnh, dù chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai không còn trực thuộc phòng tài nguyên - môi trường, nhưng cũng cần có quy chế phối hợp cung cấp thông tin thường xuyên về việc tách thửa để biết và quản lý chặt hơn. Như vậy sẽ tránh được việc sau khi tách thửa sẽ phân lô bán nền rầm rộ, gây khó trong quản lý xây dựng trái phép” - Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu nói.

Hương Giang (BaoDongNai)